Long An: Nuôi Tôm Ứng Dụng Công Nghệ Cao, Đẩy Mạnh Xuất Khẩu
Tôm là đối tượng thủy sản đã được tỉnh Long An lựa chọn để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh việc ứng dụng các thiết bị hiện đại, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng còn tiến hành nuôi tôm theo 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao tuần hoàn, gồm giai đoạn nuôi ương trong bể tròn lót bạt (khoảng 20-30 ngày), sau đó chuyển sang giai đoạn 2 nuôi trong ao đất lót bạt (khoảng 25-30 ngày), giai đoạn sau cùng là thả tôm ra ao đất đáy cát lót bạt bờ nuôi thương phẩm. Huyện Cần Đước là địa phương có diện tích tập trung nuôi tôm nhiều nhất Long An với hơn 1.420 ha, trong đó có gần 400 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sản lượng hàng năm đạt 4.700 tấn. Với thuế suất 0%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội khi xuất khẩu thủy sản, nông sản, trái cây của Việt Nam nói chung và tôm công nghệ cao của tỉnh Long An nói riêng sang thị trường châu Âu (EU).
Việt Nam Là Nguồn Cung Thuỷ Sản Quốc Tế Lớn Thứ 3 Của Trung Quốc
Nhóm 5 thị trường nước ngoài cung cấp thuỷ sản lớn nhất cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024 lần lượt là Ecuador, Nga, Việt Nam, Canada và Ấn Độ. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) dẫn thống kê từ Hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn thuỷ sản với giá trị đạt gần 11,4 tỷ USD, giảm gần 6% về lượng và giảm 11% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Tăng Cường Kiểm Soát Thiệt Hại Do Dịch Bệnh Trên Thuỷ Sản
Ngày 03/10, tại TP HCM, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản năm 2024 và kế hoạch năm 2025 với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị trị thuộc bộ cùng đông đảo doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Theo ông Phan Quang Minh (Phó Cục trưởng Cục Thú y), mặc dù dịch bệnh trên tôm có xu hướng giảm, nhưng thiệt hại do biến đổi khí hậu lại tăng mạnh 20% so với năm 2023. Các bệnh nguy hiểm như hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), đốm trắng (WSD), và vi bào tử trùng (EHP) vẫn lưu hành phổ biến ở nhiều nơi. Ông Minh cảnh báo rằng nếu các cơ sở nuôi không tăng cường biện pháp an toàn sinh học và giám sát dịch bệnh chủ động, nguy cơ bùng phát dịch sẽ rất cao. Tình hình này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ cơ sở nuôi đến chính quyền địa phương để bảo vệ sức khoẻ thuỷ sản và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành trong thời gian tới.
Hà Tĩnh: Hiệu Quả Từ Nuôi Xen Ghép
Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh đã triển khai mô hình trình diễn nuôi xen ghép tôm sú, cua biển, cá đối mục. Mô hình có chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, lợi nhuận cao, phù hợp với ao nuôi thấp triều. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình xen ghép tôm, cua, cá tại một số vùng nuôi tôm hay xảy ra dịch bệnh, kém hiệu quả trên địa bàn.
Theo dõi Intertrade để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất trong ngành thuỷ sản bạn nhé!
Nguồn:
Tép bạc
Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Trang thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản
Thuỷ sản 247